Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Phóng sự

Những người mãi không về

PV - 12:16, 21/07/2021

Tôi quay trở lại Hà Giang cùng với vài đồng nghiệp từ các báo khác. Tuyên Quang, Hà Giang, 40 năm trước - khi chiến tranh biên giới nổ ra - là một tỉnh, với tên gọi Hà Tuyên. Không ai ngờ rằng cuộc chiến đấu ấy đã kéo dài suốt 10 năm trời, cho dù chỉ 1 tháng sau tiếng súng đầu tiên, phía bên kia đã tuyên bố rút quân. Họ tuyên bố rút quân và ta đồng ý. Nhưng sau tuyên bố ấy, tiếng súng vẫn nổ ra, liên miên, suốt 10 năm trời. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn biết bao người mãi không về.

1. Lúc ấy là năm 1979, tôi mới 4 tuổi. Cả làng tôi đi sơ tán. Sơ tán về Tuyên Quang, vì ở đấy có ông anh trai của bố tôi sinh sống. Thị xã Tuyên Quang cách biên giới Hà Tuyên gần 200km.

Sơ tán ít ngày, tiếng súng vẫn còn đì đùng, nhưng chúng tôi vẫn quay về. Không thể biết được khi nào thì kết thúc chiến tranh , nên vẫn phải quay về để còn làm lụng, ruộng vườn đồi nương chờ chúng tôi về.

Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, trong hang tìm được hài cốt, địa phận huyện Thanh Thủy (Hà Giang)
Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, trong hang tìm được hài cốt, địa phận huyện Thanh Thủy (Hà Giang)

Mọi mặt của đời sống vẫn cứ diễn ra, cho dù là tiếng súng hầu như chả ngưng ngày nào. Cái thung lũng nơi chúng tôi ở toàn là người Kinh, sát với một ngôi làng người Tày, chỉ cách biên giới Thanh Thủy chưa đầy 30km đường ôtô, chim bay chắc chưa kịp mỏi cánh. Khi tiếng súng nổ ra, tôi chưa vào lớp vỡ lòng, và khi chiến tranh chấm dứt tôi đã là học sinh cấp III. 10 năm ấy, chúng tôi lớn lên trong những tiếng đạn pháo suốt ngày đêm. Trẻ con, chẳng nghĩ ngợi nhiều, quen dần, thích nghi với cái cuộc sống “ồn ào” ấy. Mà không quen cũng không được.

Làng tôi yên tĩnh, nằm sát sông, bà con người Nam Định, Thái Bình lên khai hoang, làm công nhân lâm trường, bộ đội phục viên… đủ cả. Suốt dải đất bồi ven sông là những khu vườn trồng đầy bắp cải. Bắp cải cần được tưới mỗi ngày, nên người làng trồng bắp cải sát sông để gánh nước cho tiện. Cũng không ai ngờ rằng, những luống bắp cải chạy dài hàng cây số ấy, lại có lúc dùng để cung ứng cho bộ đội.

Làng là điểm trung chuyển. Bộ đội dưới xuôi được tăng cường lên chốt, dừng chân vài ngày chờ sắp xếp đội ngũ, bố trí vị trí, cũng là để bồi bổ sức khỏe, và được chia về các gia đình. Mỗi nhà 1 - 2 tiểu đội. Và nữa, trong làng có một Trạm quân y được xây dựng, rất nhanh chóng. Thương bệnh binh được đưa từ trên chốt về, tập trung tại đấy.

Tôi còn nhỏ, không hiểu cảm xúc của những người lính trước khi lên chốt, khi biết rằng những người lính đi trước mình giờ đang nằm kín các giường bệnh trong trạm xá, thì thế nào. Họ đều trẻ lắm, 19, 20 tuổi. Chỉ có mấy ngày ở trọ nhà tôi mà việc gì cũng xắn tay lên làm. Có lẽ toàn con nhà lao động, quen chân quen tay rồi.

Lại nói Trạm quân y. Có mấy anh bác sĩ, lúc đỡ việc thì hay đi quanh làng, dân cần giúp gì thì giúp. Đau đầu, đau bụng, đau khớp… có Trạm quân y tại làng lại hay. Vì để lên bệnh viện tỉnh hay xuống bệnh viện huyện, chúng tôi đều phải đạp xe chừng chục km. Nhất là bọn trẻ con, thay răng sữa không dám nhổ, cũng đợi bác sĩ đến nhổ giúp, cả mớ. Nhà tôi có một anh bác sĩ tên Ninh hay vào chơi. Anh Ninh cao lớn, da trắng hồng, miệng cười rất tươi.

Anh ngồi bóc lạc với mẹ tôi bên hiên nhà, vừa bóc vừa nói chuyện. Chuyện bố mẹ, anh chị em, quê hương, rồi đến chuyện thương binh. Đang ngồi, pháo nổ đoàng đoàng vọng về từ biên giới. Anh lẩm bẩm nói: Đêm nay lại nhiều thương binh về cho mà xem. Đêm qua, xe chở liệt sĩ chạy suốt đêm đấy cô. Mẹ tôi thở dài, “thế à” rất khẽ.

Bọn học sinh cấp I chúng tôi những năm ấy, thi thoảng theo thầy cô đến các Trạm quân y thăm thương bệnh binh. Đâu đâu cũng thấy bông băng, dây nhợ, chai lọ và không gian sực mùi cồn đến ngạt thở. Chúng tôi không biết chiến tranh là gì, quá bé để có thể cất câu hỏi tại sao nó lại diễn ra. Chúng tôi lớn lên trong tiếng đạn pháo, rất gần và suốt ngày đêm. Lúc thưa lúc mau, lúc to lúc nhỏ, chẳng có quy luật gì cả. Có lẽ cả người lớn cũng quen tai, mặc kệ, vẫn cứ làm lụng, sinh hoạt như thường.

Mốc rà phá vật cản. Sau mốc là vùng cấm đi lại
Mốc rà phá vật cản. Sau mốc là vùng cấm đi lại

2. Cái ký ức về những năm tháng lớn lên trong tiếng súng ấy cứ trở đi trở lại mãi trong suốt chặng đường quay về quê. Chúng tôi dừng ở dọc Quốc lộ 2 - Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang rồi mới lên Hà Giang. Suốt dọc tuyến đường này, rất nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc đang sinh sống.

Anh Trần Triệu Tuấn, sinh năm 1961, lính đặc công, hiện đã nghỉ hưu tiếp chúng tôi trước hiên ngôi nhà yên tĩnh, trong khuôn viên của Nhà máy Z113, thuộc Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng. Bố mẹ anh Tuấn đều là quân nhân trong nhà máy, sửa chữa, sản xuất vũ khí, đạn dược. Anh Tuấn kể, lúc mới đi bộ đội, anh em hay đùa: Đây là súng đạn bố mẹ cậu sản xuất, nên cậu phải đeo là đúng rồi. Và mọi người treo hết mọi thứ lên người anh. Hết chiến tranh, anh quay về nhà máy. Có vài năm đi Tiệp Khắc (cũ), tham gia sản xuất trong nhà máy sản xuất vũ khí của họ theo cơ chế hợp tác giữa hai nước, hai Bộ Quốc phòng. Quay về nhà máy, làm việc đến lúc nghỉ hưu.

Anh Tuấn kể cho chúng tôi nghe về nhiều trường hợp đồng đội bị thương, hy sinh. Có người bị đạn xuyên từ trước ra sau, đúng 4 cái lỗ tròn. Anh phải lấy bông băng quấn lại như điếu thuốc lá, nhét vào trước ngực, sau lưng, đúng 8 “điếu thuốc”, máu ngấm ra lại thay. Rồi cõng đồng đội về tuyến sau. Kỳ lạ là bị đến 4 viên đạn xuyên thủng mà anh ấy vẫn sống được. Trong khi đó, một câu chuyện khác khiến chúng tôi bị ám ảnh ghê gớm.

Tôi muốn nhắc đến liệt sĩ Nguyễn Thanh Bình, một người bạn thân của anh Tuấn, cùng lớn lên, đi học, nhập ngũ. Sở dĩ anh Tuấn nói kỹ đến anh Bình trong vô số đồng đội, đó là vì khi chúng tôi hỏi anh còn tấm ảnh nào từ thời tham gia chiến đấu không, anh nói: Thời ấy khó khăn lắm, mấy ai có ảnh đâu. Tôi có một bức ảnh duy nhất, nhưng không phải của tôi, mà là ảnh của một người bạn đã… hy sinh.

Anh Nguyễn Thanh Bình bị thương, mất một chân trong một lần đi làm nhiệm vụ. Người Đại đội trưởng đã cõng anh về tuyến sau. Không ngờ, trong lúc rút lui lại đạp phải mìn do đối phương gài lại. Anh Đại đội trưởng bị mất 1 chân, anh Bình cũng mất… nốt chân còn lại. Máu chảy quá nhiều. Điều kiện biên giới khó khăn. Đến lúc gặp được y tá, y tá tiêm thuốc thì cơ thể anh Bình đã không nhận thuốc nữa.

Anh Tuấn dẫn chúng tôi ra thăm mộ anh Bình, cũng ngay trong khuôn viên nhà máy. Đứng lặng trước ngôi mộ giản dị, nhỏ bé, bên những bụi hoa hồng um tùm tỏa hương ngào ngạt, tôi quặn lòng nghĩ về những người như anh Bình, mãi mãi không về.

6 thành viên Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, do Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, trợ lý chính sách dẫn đầu, đưa chúng tôi ngược dốc lên núi. Khắp những triền núi dựng đứng, trong những hang sâu, có nhiều hang đã sập, trong những khe núi hẹp… rải rác đâu đó, còn hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Đã 40 năm trôi qua, 40 mùa Xuân, họ vắng mặt trong hàng ngàn gia đình, dòng họ.

Đạn pháo vẫn còn la liệt khắp núi rừng. Rừng đã phần nào hồi sinh, phần nào phủ xanh, trừ những khoảng trắng lỗ chỗ do đá vôi bị phá tan nát, cây cối không thể mọc được. Chúng tôi được dặn kỹ, các anh đặt chân vào đâu thì đặt chân theo đúng chỗ đó, tuyệt đối không đi ra ngoài các cột mốc sơn nửa trắng nửa xanh Bộ đội công binh cắm lại. Trên đó ghi “Mốc RPVC” (rà phá vật cản).

Rất nhiều đạn pháo vẫn còn sót lại
Rất nhiều đạn pháo vẫn còn sót lại

Sở dĩ chưa tìm được các anh về, trên một khoảng diện tích không phải là quá mênh mông, bạt ngàn như thời chống Mỹ, là bởi chính vô số mìn và đạn pháo còn sót lại đây. Công binh làm sạch rừng núi đến đâu thì mới có thể lần tìm dấu vết đồng đội hy sinh đến đấy. Mà công việc làm sạch với vô thiên lủng mìn và đạn pháo còn sót lại, thật không dễ dàng gì.

Và 4 thập kỷ đã qua, nắng mưa, giá rét, đến đá cũng hao mòn, sắt thép cũng hoai mục, nói gì cơ thể con người. Chưa kể là những cơ thể ấy còn không được lành lặn…

Tôi thực sự không thể hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, vào 3 - 4 thập kỷ trước, cho đến lần quay về này. Trong những hang đá, phải dùng đèn pin để chiếu sáng, vẫn còn đấy vô số di vật. Mảnh áo, mảnh chăn, vỏ đồ hộp, cả những dòng chữ viết trên vách đá… Dường như mới hôm qua, hôm kia, năm ngoái… họ vẫn còn nằm, ngồi ở đây, trò chuyện, mơ ước, mong đợi, kỳ vọng và… ra đi, trong lặng lẽ.

Nhiều hài cốt đã được tìm thấy trong suốt những năm qua, nhưng cũng còn rất nhiều, hàng nghìn, chưa tìm thấy được. Họ đang nằm đâu đó, trên cao, trong đất đá, cỏ cây, nghe gió thổi và nhìn mây bay.

Chúng tôi xuống núi trong khi chiều cũng đang xuống, lòng trĩu nặng. Còn các anh thì vẫn nằm lại sau lưng./.

(Tít bài do Báo Dân tộc và Phát triển đặt)


Tin cùng chuyên mục
"Ốc đảo" Hữu Khuông - một cái nhìn lạc quan về tương lai

"Ốc đảo" Hữu Khuông - một cái nhìn lạc quan về tương lai

Trong chuyến công tác mới đây vào “ốc đảo” Hữu Khuông, một xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ của huyện Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi sửng sốt trước những trụ cầu bê tông sừng sững như mọc lên giữa mặt hồ xanh biếc. Hỏi chuyện, mới hay, còn nhiều công trình được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng như thế ở vùng đất xa xôi, cách trở này; và hầu hết việc vận chuyển vật tư, thiết bị thi công… qua nhiều chặng đường; bằng thuyền, phà dập dềnh theo sóng nước.
Tin nổi bật trang chủ
Khởi công xây dựng Nhà sàn Điện Biên tại thành phố Thủ Đức

Khởi công xây dựng Nhà sàn Điện Biên tại thành phố Thủ Đức

Tin tức - Minh Thu - 16:08, 05/09/2024
Tp. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) vừa phối hợp Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan và phường Thảo Điền, An Khánh tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà sàn Điện Biên tại công viên đường Võ Nguyên Giáp, Tp. Thủ Đức.
Phố núi Pleiku (Gia Lai) nô nức ngày hội khai trường

Phố núi Pleiku (Gia Lai) nô nức ngày hội khai trường

Giáo dục - Ngọc Thu - 16:06, 05/09/2024
Sáng 5/9, hòa chung không khí rộn ràng của ngày hội khai trường, thầy và trò phố núi Pleiku (Gia Lai) đã nô nức đón chào năm học mới 2024 - 2025.
Bé trai tử vong nghi do bị bạo hành tại điểm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật

Bé trai tử vong nghi do bị bạo hành tại điểm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật

Pháp luật - Ngọc Thu - 16:02, 05/09/2024
Ngày 5/9, UBND phường Ia Kring (Tp. Pleiku, Gia Lai) có báo cáo nhanh vụ việc một em nhỏ chết chưa rõ nguyên nhân tại số 57 Trần Nhật Duật (phường Ia Kring). Đây là địa điểm được cá nhân mở ra trông coi trẻ khuyết tật có hộ khẩu ở Tp. Pleiku và các huyện.
Lễ hội Thảo nguyên Đồng Lâm, Lạng Sơn năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 10

Lễ hội Thảo nguyên Đồng Lâm, Lạng Sơn năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 10

Tin tức - Thúy Hồng - 15:55, 05/09/2024
UBND huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Thảo nguyên Đồng Lâm năm 2024.
VĐV Lê Văn Công giành Huy chương Đồng tại Paralympic Paris 2024

VĐV Lê Văn Công giành Huy chương Đồng tại Paralympic Paris 2024

Thể thao - Giải trí - Hoàng Minh - 15:53, 05/09/2024
Đô cử Lê Văn Công vừa xuất sắc đem về tấm Huy chương Đồng ở môn cử tạ Paralympic Paris 2024. Đây cũng là chiếc huy chương đầu tiên của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội lần này.
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người La Chí

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người La Chí

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 4/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương ứng phó bão số 3. Hội ngộ trải nghiệm du lịch đất Võ. Khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người La Chí. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhiều bất ngờ trong danh sách đề cử Quả bóng Vàng 2024

Nhiều bất ngờ trong danh sách đề cử Quả bóng Vàng 2024

Thể thao - Hoàng Minh - 15:50, 05/09/2024
Tạp chí France Football (Pháp) đã chính thức công bố danh sách 30 ứng viên cho cuộc đua Quả bóng Vàng (Ballon D'Or) 2024. Ngoài hai siêu sao Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, danh sách này cũng vắng bóng nhiều hảo thủ tạo ra không ít ý kiến trái chiều.
Bài thuốc dân gian từ cây trà hoa vàng

Bài thuốc dân gian từ cây trà hoa vàng

Vườn thuốc quanh ta - Như Ý - 15:49, 05/09/2024
Trà hoa vàng hay còn có tên gọi khác là chè hoa vàng, kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng… có vị ngọt, tính bình, hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ. Trà hoa vàng có nhiều tác dụng với sức khỏe như thanh lọc cơ thể, giải độc, giảm căng thẳng và Stress, giảm Cholesterol xấu trong máu, duy trì vẻ đẹp trẻ trung, hỗ trợ điều trị ung thư, bảo vệ tim mạch, giúp hạ đường huyết, hỗ trợ giảm cân… Sau đây là một số bài thuốc dân gian từ cây trà hoa vàng mời các bạn tham khảo.
Bắc Ninh đón khoảng 60.000 lượt du khách dịp nghỉ Lễ Quốc khánh

Bắc Ninh đón khoảng 60.000 lượt du khách dịp nghỉ Lễ Quốc khánh

Trang địa phương - Xuân Hải - 15:47, 05/09/2024
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, cho biết, trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, lượng khách du lịch đến Bắc Ninh ước đạt 60.000 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch ước đạt 42 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Canh tác nông nghiệp thuận lợi với

Canh tác nông nghiệp thuận lợi với "túi khôn" 4.0

Kinh tế - Vĩnh Sơn - 15:45, 05/09/2024
Tích hợp những công nghệ tiên tiến hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big DATA)... nền tảng mobiArgi giúp nhà nông nâng cao hiệu suất canh tác, tạo ra sự đột phá về chất lượng cây trồng, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Lễ khai giảng ở những vùng đất còn nhiều khó khăn

Lễ khai giảng ở những vùng đất còn nhiều khó khăn

Giáo dục - Minh Thu - 15:42, 05/09/2024
Sáng 5/9, hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025, các thầy, cô giáo, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng rất hân hoan chào đón năm học mới với những niềm tin mới.